CHỦ ĐỀ HOT:

Trong số 64 tượng Phật niên đại hàng trăm năm đang lưu giữ tại chùa Tây Phương, có 34 tượng được công nhận là “di sản quốc gia”.

Chùa Tây Phương. Ảnh: Thanh Hải

34 “bảo vật quốc gia” được gìn giữ tại chùa Tây Phương

Lễ hội chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, năm nay diễn ra từ ngày 9 đến hết 18-4 (tức từ mùng 1 đến hết ngày 10 tháng Ba).

Nhân kỉ niệm 10 năm chùa Tây Phương nhận được danh hiệu “Di tích quốc gia đặc biệt”, trong khuôn khổ lễ hội năm nay, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc. Phần lễ, đậm bản sắc văn hóa, tín ngưỡng thờ Phật của người Việt Như: Dâng lễ, cúng Phật, rước kiệu, phóng sinh… Phần hội, là sự kết hợp những đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc với vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời qua nhiều hoạt động tiêu biểu như: Múa rối nước, giao lưu văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian như đi cà kheo, ném còn, đu cây…

Đường lên chùa Tây Phương. Ảnh: Thanh Hải

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương đặt trên đỉnh núi Câu Lậu, ở độ cao khoảng 100m, cách trung tâm thành phố khoảng 40km về hướng Tây. Theo truyền thuyết, chùa có nền móng xây dựng từ những thế kỷ đầu Công nguyên, ban đầu được gọi là Sùng Phúc Tự. Theo các nhà nghiên cứu, vào thời Mạc Phúc Nguyên (1547-1561), niên hiệu Quang Bảo năm thứ nhất (1554), chùa được xây dựng với quy mô như ngày nay và đổi tên thành Tây Phương Cổ Tự (chùa cổ Tây Phương).

Sau này, chùa được tu sửa, tạc thêm tượng nhiều lần trong các thời vua Lê Thần Tông, chúa Tây Vương Trịnh Tạc, vua Lê Hy Tông.

Tượng các vị La Hán tại chùa Tây Phương. Ảnh: Thanh Hải

Tính từ Tam quan hạ, du khách phải đi lên 237 bậc đá ong mới đến Tam quan thượng, phía bên trái chùa là Miếu Sơn thần. Chùa chính nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, có kết cấu hình chữ Công, bên trong trưng bày nhiều tượng phật quý.

Trong số 64 pho tượng Phật có niên đại hàng trăm năm đang lưu giữ tại chùa Tây Phương, có 34 pho được Nhà nước công nhận là “bảo vật quốc gia”.

Mỗi vị La Hán trong chùa đều được tạc tỉ mỉ, công phu ở những dáng vẻ, tư thế, nét mặt khác nhau. Ảnh: Thanh Hải

Hệ thống tượng Phật tại chùa Tây Phương có thể xem là những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo, tiêu biểu như: Bộ tượng Di Đà Tam Tôn, Thích Ca Tam Thánh, Bát bộ Kim Cương… Trong đó, phải nói đến bộ tượng Thập bát La Hán, thể hiện rõ nét nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam.

Tượng mỗi vị La Hán chùa Tây Phương được các nghệ nhân xưa chế tác công phu, tỉ mỉ, từ dáng vẻ, tư thế đến nét mặt biểu cảm, sinh động. Mỗi bức tượng cũng kể một câu chuyện tĩnh ảo mang nhiều giá trị về nghệ thuật điêu khắc. Với hệ thống 64 pho tượng cổ được bảo tồn, chùa Tây Phương được xem là một trong những ngôi cổ tự sở hữu Phật điện lớn nhất Việt Nam.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương hiện là địa điểm di tích, tâm linh nổi tiếng của huyện Thạch Thất, hằng năm thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước. Với những giá trị đặc sắc, năm 2014, chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và Bộ tượng Phật giáo chùa Tây Phương thời Tây Sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII (gồm 34 pho tượng) được công nhận là bảo vật quốc gia.

Hình thành những tuyến du lịch hấp dẫn

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của chùa Tây Phương, ngày 22-2 gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 190/QĐ-TTg thông qua nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương nhằm bảo tồn lâu dài các giá trị hiện hữu của chùa và các di sản văn hóa liên quan.

Nơi đây trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng thu hút đông đảo người dân, du khách. Ảnh: Thanh Hải

Theo kế hoạch, chùa Tây Phương sẽ là trung tâm hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của đông đảo người dân huyện Thạch Thất và vùng lân cận. Nó cũng là điểm du lịch hấp dẫn của thành phố Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Nhân kỷ niệm 10 năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương (2014-2024), huyện Thạch Thất đã tổ chức chuỗi các hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của ngôi chùa cổ. Chuỗi sự kiện nhằm thức dậy và nâng cao lòng tự hào dân tộc, tiếp tục giáo dục thế hệ hôm nay và mai sau, gìn giữ nét đẹp văn hóa quê hương, phát huy truyền thống lịch sử, lòng yêu nước, bản sắc văn hóa của dân tộc. Lễ hội cũng nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp thu văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Đây còn là dịp động viên cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương Thạch Thất ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Một góc chùa Tây Phương. Ảnh: Thanh Hải

Trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động nhân dịp lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm nay, huyện Thạch Thất sẽ tổ chức hội chợ để gắn kết, quảng bá du lịch và văn hóa địa phương trong lễ hội chùa Tây Phương, kết hợp với việc tổ chức lễ hội truyền thống chùa Tây Phương với việc kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và 70 năm Giải phóng huyện Thạch Thất (1954-2024).

Chuỗi sự kiện này nhằm thiết thực triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”; Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Huyện cũng đang tích cực nghiên cứu xây dựng tuyến phố đi bộ vào chùa Tây Phương; tuyến đi bộ dọc trục đường vườn hoa Phùng Khắc Khoan để tổ chức các hoạt động văn hóa, kích thích đầu tư, thương mại, góp phần phát triển du lịch văn hóa và không gian sáng tạo văn hóa, tạo điều kiện để huyện Thạch Thất phát triển xứng đáng với vai trò đô thị phía Tây của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Chia sẻ

Website là TRANG THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ. Các bài viết trên trang chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.

© 2024 Phong Cách Thẩm Mỹ. Designed by DCO Group
Exit mobile version