Mụn gây ra nỗi ám ảnh cho hầu hết phái nữ, làm họ mất đi sự tự tin trong giao tiếp vì không hài lòng về diện mạo của mình. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu các phương pháp trị mụn hiệu quả để chúng ta cùng khám phá.
1. Dấu hiệu của mụn
Các dấu hiệu và triệu chứng của mụn khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này, bao gồm:
- Mụn trứng cá đầu trắng (lỗ chân lông bịt kín)
- Mụn trứng cá đầu đen (lỗ chân lông mở)
- Các nốt sưng nhỏ màu đỏ
- Mụn mủ, là những nốt sẩn chứa mủ
- Nốt sần lớn dưới da, cứng và đau
- Mụn mủ dưới bề mặt da (tổn thương tại nang lông)
2. Nguyên nhân gây ra mụn
Bốn yếu tố chính gây ra mụn, bao gồm:
- Da quá nhiều dầu
- Tắc nghẽn lỗ chân lông
- Vi khuẩn
- Hormone hoạt động quá mạnh (androgen)
Mụn thường xuất hiện ở mặt, trán, ngực, lưng và vai vì đây là những nơi có nhiều tuyến bã nhờn. Lỗ chân lông liên kết với tuyến bã nhờn.
Mụn đầu đen hình thành khi lỗ nang lông bị tắc bởi tế bào chết, vi khuẩn và dầu nhờn. Khi tiếp xúc với không khí, chúng bị oxy hóa và đổi màu. Mụn đầu trắng là loại mụn tắc nang lông không tiếp xúc với không khí ngoài.
Mụn nhọt là nốt đỏ nổi lên, thường trắng ở đầu do nang lông bị chặn và viêm nhiễm. Sự tắc nghẽn này cùng việc viêm nhiễm lan rộng tạo nên các khối u nang dưới da. Các lỗ chân lông khác như tuyến mồ hôi thường không gây mụn.
Các yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng mụn bao gồm:
- Hormone: Hormone Androgens tăng trong giai đoạn dậy thì ở cả bé trai và bé gái, làm to tuyến bã nhờn và tiết nhiều dầu hơn. Sự thay đổi hormone do mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai cũng ảnh hưởng đến bã nhờn. Ở phụ nữ, lượng androgen thấp cũng làm mụn trở nên tồi tệ hơn.
- Một số loại thuốc như corticosteroid, testosterone hoặc lithium.
- Chế độ ăn: Theo nghiên cứu, sữa tách béo và thực phẩm chứa nhiều carbohydrate như bánh mì, bánh mì tròn và khoai tây chiên có thể làm tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Căng thẳng: Căng thẳng làm tăng nguy cơ mụn trở nên tồi tệ hơn.
Mụn có thể ảnh hưởng đến tâm lý của bạn
3. Điều trị mụn
Khi các biện pháp chữa mụn thông thường không hiệu quả sau một khoảng thời gian, bác sĩ có thể chuyển sang các loại thuốc mạnh hơn với mục đích:
- Điều hòa tình trạng mụn.
- Phòng tránh sẹo và tổn thương khác trên da do mụn.
Cơ chế hoạt động của thuốc trị mụn bao gồm giảm tiết dầu, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da, chống nhiễm khuẩn, và giảm viêm – giúp ngăn chặn sự hình thành sẹo. Phần lớn các loại thuốc trị mụn theo toa yêu cầu thời gian từ bốn đến tám tuần để có thể thấy rõ kết quả, và trong quá trình này, tình trạng da có thể trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện. Việc mụn biến mất hoàn toàn có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm.
Chương trình điều trị do bác sĩ đề xuất sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của mụn, cần sự kiên nhẫn từ bạn. Ví dụ, bạn có thể cần phải rửa sạch và thoa thuốc lên vùng da bị ảnh hưởng hai lần mỗi ngày trong một số tuần. Thuốc bôi ngoài da và thuốc uống thường được sử dụng kết hợp với nhau. Phụ nữ mang thai không nên sử dụng các loại thuốc trị mụn theo đơn.
Một số loại thuốc được sử dụng, bao gồm:
Thuốc bôi:
- Retinoids: Dẫn xuất từ vitamin A, gồm tretinoin (Avita, Retin-A, và các loại khác), adapalene (Difin), và tazarotene (Tazorac, Avage). Thường dùng trong sản phẩm dưỡng da như kem, gel. Thoa vào buổi tối, ban đầu 3 lần/tuần, sau đó tăng lên hàng ngày khi da thích nghi. Giúp thông thoáng lỗ chân lông.
- Kháng sinh: Tiêu diệt vi khuẩn da, giảm sưng đỏ. Ban đầu có thể kết hợp với retinoid, dùng vào buổi sáng và tối. Thường đi kèm benzoyl peroxide để hạn chế kháng thuốc (ví dụ: clindamycin với benzoyl peroxide, erythromycin với benzoyl peroxide).
- Axit Azelaic và Salicylic: Axit Azelaic tìm thấy trong ngũ cốc, có tính kháng khuẩn, chống viêm. Kem 20% hiệu quả khi dùng 2 lần/ngày trong ít nhất 4 tuần. Axit Salicylic hỗ trợ điều trị mụn, hiệu quả hạn chế.
- Dapsone: Gel Dapsone (Aczone) 5%, dùng 2 lần/ngày cho viêm mụn, đặc biệt phụ nữ trưởng thành. Tác dụng phụ: da đỏ, khô.
Thuốc uống:
- Kháng sinh: Đối với tình trạng mụn nghiêm trọng, bạn có thể cần uống thuốc kháng sinh để kháng khuẩn và chống viêm. Thông thường sự lựa chọn đầu tiên để điều trị mụn là thuốc kháng sinh tetracycline – chẳng hạn như minocycline hoặc doxycycline – hoặc macrolide.
Bạn nên uống thuốc kháng sinh trong thời gian ngắn nhằm tránh nguy cơ kháng thuốc kháng sinh.
Để điều trị mụn một cách hiệu quả, nên uống thuốc kháng sinh, kết hợp với bôi thuốc retinoids và benzoyl peroxide. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sử dụng thuốc bôi benzoyl peroxide tại chỗ cùng với uống thuốc kháng sinh có thể làm giảm nguy cơ kháng kháng sinh.
Thuốc kháng sinh có thể gây ra tác dụng phụ, chẳng hạn như đau dạ dày và chóng mặt. Những loại thuốc này cũng có thể khiến làn da của bạn tăng độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
- Thuốc tránh thai kết hợp: thuốc tránh thai được coi là phương pháp trị mụn hiệu quả. Thuốc tránh thai có chứa estrogen và proestin (Ortho Tri-Cyclen, Yaz, những loại khác). Bạn có thể không thấy hiệu quả của việc điều trị mụn bằng thuốc tránh thai trong một vài tháng, vì thế bên cạnh việc uống thuốc tránh thai, bạn nên sử dụng một số loại thuốc bôi khác trước khi thuốc đem lại hiệu quả thực sự.
Các tác dụng phụ phổ biến nhất của các loại thuốc này là tăng cân, đau vú và buồn nôn. Một biến chứng tiềm ẩn nghiêm trọng là tăng nguy cơ đông máu.
- Thuốc chống androgen: Thuốc spironolactone (Aldactone) có thể được sử dụng cho phụ nữ và trẻ vị thành niên nếu uống thuốc kháng sinh không mang lại hiệu quả cho quá trình điều trị mụn. Thuốc có tác dụng ngăn chặn sự hoạt động quá mức của nội tiết tố androgen. Tác dụng phụ có thể bao gồm đau ngực.
- Isotretinoin: Isotretinoin (Amnesteem, Claravis, Sotret) là một loại thuốc mạnh được sử dụng cho những người bị mụn nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Isotretinoin đem lại hiệu quả cao. Nhưng vì tác dụng phụ của thuốc, các bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ nếu bạn lựa chọn sử dụng Isotretinoin . Các tác dụng phụ bao gồm viêm loét đại tràng, tăng nguy cơ trầm cảm và dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Trên thực tế, isotretinoin có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đến mức tất cả những người uống isotretinoin phải được theo dõi cẩn thận.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể áp dụng các phương pháp điều trị kết hợp hoặc song song với việc sử dụng thuốc:
- Laser và trị liệu quang học: Các phương pháp trị liệu dựa trên ánh sáng đã được thử nghiệm và mang lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để xác định cách thức trị liệu tối ưu, nguồn ánh sáng phù hợp và liều lượng cần thiết.
- Loại bỏ mụn trứng cá và mụn đầu đen: Bác sĩ có thể dùng dụng cụ chuyên dụng để nhẹ nhàng loại bỏ mụn trứng cá và mụn đầu đen (comedo) mà các loại thuốc bôi không thể làm sạch. Phương pháp này có nguy cơ gây ra sẹo.
- Tiêm steroid: Các tổn thương tại hạch và nang có thể được xử lý bằng cách tiêm trực tiếp steroid. Phương pháp này giúp cải thiện nhanh chóng và giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên, tác dụng phụ có thể làm mỏng da ở vùng điều trị.
Đa số các nghiên cứu liên quan đến thuốc điều trị mụn đều tập trung vào người trên 12 tuổi. Một nghiên cứu với 365 bé gái từ 9 đến 10 tuổi cho thấy 78% trong số họ chịu ảnh hưởng của các tổn thương do mụn. Nếu bé nhà bạn gặp phải vấn đề về mụn trứng cá, việc tham vấn ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa da liễu nhi đồng là cần thiết. Hãy tìm hiểu về những loại thuốc không phù hợp cho trẻ nhỏ, liều lượng an toàn, tương tác của thuốc, các tác dụng phụ và phương pháp điều trị ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng của trẻ.