CHỦ ĐỀ HOT:

Gần đây, Trung tâm chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị khẩn cấp cho 4 bệnh nhân ở huyện Thường Tín, Hà Nội, do ngộ độc methanol sau khi cùng uống một loại rượu ngâm. Trước đó, các bệnh viện khác cũng đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc do sử dụng các loại rượu ngâm, thường được quảng cáo là rượu thuốc “bổ dưỡng”.

Việc ngâm rượu với hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của người có chuyên môn.

Lo ngại gây ra tổn thương ngầm

Theo lời kể của bệnh nhân và người thân, 4 người này đã tham dự một đám cưới gia đình tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín và uống một loại rượu ngâm táo mèo trong bữa tiệc. Chiều cùng ngày, 4 bệnh nhân này cùng một người khác tên C. ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) tiếp tục uống phần rượu còn lại, mỗi người uống khoảng từ 500 đến 1.000ml. Sau đó, các bệnh nhân bắt đầu gặp triệu chứng mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Riêng ông C. về nhà ngủ, 2-3 ngày sau xuất hiện triệu chứng đau bụng, nôn ra máu và đã qua đời.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: 4 bệnh nhân từ Thường Tín nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa nặng và nồng độ methanol trong máu rất cao. Ngoài tổn thương mắt, các bệnh nhân còn có nguy cơ tổn thương não. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu mà các bệnh nhân đã uống tại đám cưới ở Thường Tín cho thấy nồng độ methanol công nghiệp là 34%. Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, methanol công nghiệp khi vào cơ thể gây tổn hại, nhất là thần kinh thị giác và não. Do quá trình chuyển hóa của methanol diễn ra từ từ và âm thầm, nên có những trường hợp đã bị tổn thương nhưng chưa có triệu chứng rõ rệt để đi khám.

Qua nhiều trường hợp ngộ độc methanol công nghiệp, bên cạnh các ca tử vong và ngộ độc nặng, các bác sĩ còn gặp những trường hợp biểu hiện bình thường nhưng khi xét nghiệm thì nồng độ methanol trong máu rất cao và phải tiến hành lọc máu, giải độc. Nếu không được điều trị kịp thời, những bệnh nhân này có thể bị tổn thương một phần mắt và não.

Nhiều hệ quả khó lường

Từ lâu, các loại rượu ngâm được quảng cáo là rượu thuốc, chứa dược liệu và rễ cây có tác dụng bổ dưỡng và trị nhiều bệnh. Những bài thuốc ngâm rượu như Thập toàn đại bổ, Minh Mạng thang, hay rượu táo mèo, củ ấu tàu, chuối hột… được nhiều người tự làm để bổ cơ thể. Nhiều người tin rằng thảo dược, rễ cây từ thiên nhiên lành tính, chỉ cần ngâm rượu là sẽ có tác dụng bổ dưỡng.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết Trung tâm thường xuyên điều trị nhiều ca ngộ độc từ các loại rượu ngâm rễ cây chữa đau lưng, đau khớp. Ngoài ngộ độc methanol, một số ca do ngộ độc salicylate từ rễ cây, gây chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp và tổn thương não, thận, có thể dẫn đến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo cần thận trọng khi dùng rượu ngâm hoa quả, rễ cây, đặc biệt là các loại có độc tố, phải theo hướng dẫn của thầy thuốc. Nếu tự chế biến mà không biết cách loại bỏ độc tố, rượu ngâm có thể gây tử vong. Cần cảnh giác với rượu chứa cồn công nghiệp methanol bị trà trộn, gây ngộ độc. Rượu dùng để xoa bóp phải ghi nhãn rõ ràng, cất giữ an toàn, tránh nhầm lẫn.

Chia sẻ

Website là TRANG THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG NỘI BỘ. Các bài viết trên trang chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.

© 2024 Phong Cách Thẩm Mỹ. Designed by DCO Group
Exit mobile version