Từ những truyện cổ tích và các vở chèo truyền thống đã được gìn giữ qua bao thế hệ trong nền văn hóa Việt Nam, giới trẻ ngày nay đã tìm ra cách để “khai thác” và diễn giải chúng dưới những góc nhìn đa dạng.
Sự xuất hiện của nhiều vở kịch lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian trong thời gian gần đây đã thổi một làn gió mới vào nghệ thuật sân khấu trong nước. Những tác phẩm này không chỉ mang đến hình ảnh hiện đại cho các câu chuyện từ thời xa xưa mà còn thể hiện nỗ lực khám phá lịch sử và kết nối chặt chẽ với văn hóa đương đại
Khi văn hóa dân gian là chất liệu cho sáng tạo
Vào tháng 9 năm 2024, Xưởng Kịch và Nghệ thuật ATH đã hợp tác với Viện Pháp tại Việt Nam để giới thiệu vở kịch “Ngày xưa”. Vở kịch được chuyển thể từ các truyền thuyết và sự tích dân gian lâu đời của Việt Nam, dưới sự dàn dựng tài tình của đạo diễn người Pháp, Quentin Delorme. Với cảm hứng từ ba câu chuyện dân gian nổi tiếng: “Thần trụ trời”, “Con rồng cháu tiên” và “Sự tích trầu cau”, tác phẩm đã tạo ra một cách nhìn văn hóa độc đáo, kết hợp giữa yếu tố hiện thực và hư cấu. “Ngày xưa” dẫn dắt khán giả vào hành trình khám phá văn hóa bản địa qua những hình tượng sống động như rồng, các vị thần, yêu quái, linh hồn và ác quỷ. Vở kịch được diễn bởi sáu diễn viên, sử dụng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, tạo ra không gian thử nghiệm sáng tạo. Tác phẩm không chỉ nhấn mạnh nguồn cội và giá trị truyền thống mà còn tôn vinh sự phong phú đa dạng của các giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Tiếp theo, dựa trên hai tác phẩm chèo cổ là “Quan Âm Thị Kính” và “Kim Nham”, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai từ Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã dàn dựng một vở diễn mang tên “Như hạt mưa sa”. Vở diễn, dù dựa vào nghệ thuật chèo truyền thống, nhưng lại thể hiện rõ nét hơi thở của sân khấu hiện đại, tạo nên phong cách mới lạ và thu hút. “Như hạt mưa sa” đã gây ấn tượng sâu sắc với khán giả tại Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật châu Á (ATEC) tổ chức tại Trung Quốc. Trong khoảng thời gian hơn 60 phút, vở diễn khắc họa rõ nét cuộc đời và số phận của người phụ nữ Việt Nam trong chế độ phong kiến, dẫn dắt khán giả qua nhiều cung bậc cảm xúc, vừa tiếc nuối vừa chao đảo. Hình ảnh Thị Kính với số phận éo le, Thị Mầu khao khát tình yêu mãnh liệt và Xúy Vân đáng thương, khờ dại được kết nối và bổ sung cho nhau trên sân khấu, giao lưu tinh tế với khán giả. Vở diễn nhấn mạnh kỹ thuật tả ý, tả thần, múa hát, cùng với sự biểu diễn trực tiếp của các nhạc công tại sân khấu ba mặt của Nhà hát Học viện Hý kịch Trung ương Trung Quốc. Tác phẩm mang đến sự hài hòa, thể hiện tiếng nói của người bình dân trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc và công lý. Quá khứ và hiện tại, ước vọng tương lai và thực tế phũ phàng, định kiến xã hội và khát vọng hạnh phúc, yếu đuối và mạnh mẽ, hiền lành và dữ dội, cam chịu và nổi loạn,… tất cả tạo nên những cặp đối lập, buộc nhân vật phải hành động để thoát khỏi những giằng xé nội tâm. Câu chuyện “Như hạt mưa sa” vừa quen thuộc vừa mới lạ, vừa quảng bá nghệ thuật truyền thống lại vừa được chế tác để phù hợp với đời sống hiện đại.
Gần đây, với cách tiếp cận sáng tạo và dễ hiểu, tác phẩm sân khấu “Thị Mầu xuyên không” của nhà báo, đạo diễn Ninh Quang Trường, qua phần thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, đã mang lại cho học sinh một cái nhìn logic về nghệ thuật sân khấu. Đây cũng là bước khởi đầu để giới trẻ tìm hiểu về các nhân vật nổi tiếng trong nghệ thuật chèo, thông qua cách dàn dựng ngắn gọn, mới mẻ và ngôn ngữ dễ tiếp cận. Nhà báo, đạo diễn Ninh Quang Trường cho biết, nghệ thuật truyền thống vốn khó gần gũi, đặc biệt với những chương trình biểu diễn kéo dài. Một vở diễn chèo, tuồng thường có thời gian từ 1,5 đến 2 tiếng, thậm chí có thể kéo dài đến 3 tiếng. Tuy nhiên, các nhà hát vẫn chưa có những tác phẩm sáng tạo, ngắn gọn và đổi mới để phù hợp với khán giả nhỏ tuổi. Họ chỉ lược bớt, cắt ngắn mà chưa lồng ghép giáo dục di sản, rõ ràng về mục tiêu khán giả cảm thụ tác phẩm và khả năng lĩnh hội kiến thức. Điều này lý giải tại sao hiện nay trường học và học sinh có nhiều lựa chọn nhưng ít khi chọn nghệ thuật truyền thống để trải nghiệm vì chưa có sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khán giả nhỏ.
“Để học sinh có thể tiếp cận gần hơn với văn hóa dân gian, trong vở “Thị Mầu xuyên không”, tôi đã lồng ghép câu chuyện “drama” về cuộc đời của cô Thị Kính, sử dụng sóng gió và biến cố trong cuộc đời cô làm cốt truyện chính kết hợp với xu hướng giải trí hiện đại. Đây là điểm chạm đầu tiên. Sau đó, cùng với các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, chúng tôi đã tạo ra một tác phẩm cuốn hút, giúp các em hiểu hơn về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến và được thưởng thức những làn điệu chèo, tôi coi như vậy đã là một thành công” – nhà báo, đạo diễn Ninh Quang Trường chia sẻ.
Tìm lối đi phù hợp với sân khấu đương đại
Một nhận định chung là những tác phẩm sân khấu đương đại lấy cảm hứng từ dân gian thường do những người trẻ đảm nhiệm. Với lòng đam mê tìm hiểu và gắn bó với nghệ thuật truyền thống, họ đã đi sâu khám phá và giới thiệu đến khán giả những cách tiếp cận mới, mở ra nhiều hướng đi khác nhau để lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.
Cách đây 10 năm, chị Đinh Thảo – đồng sáng lập dự án “Chèo 48h”, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và quảng bá Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam – đã khởi đầu các dự án cộng đồng về nghiên cứu nghệ thuật sân khấu. Những lớp học như “Chèo 48h”, “Xẩm 48h”, “Quan họ 48h”… đã trở thành cầu nối gắn kết giới trẻ với các giá trị truyền thống của dân tộc. Bằng cách khai thác vốn nghệ thuật truyền thống và sáng tạo trong phương thức truyền tải, những lớp học này đã thu hút sự chú ý của khán giả trẻ. Theo chị Thảo, khán giả hiện nay có nhu cầu tìm hiểu nghệ thuật truyền thống ngày càng cao, và các chương trình giáo dục về di sản văn hóa cũng nhận được sự quan tâm rộng rãi.
Để đưa nghệ thuật truyền thống tiếp cận sân khấu đương đại, điều quan trọng là phải hiểu nhu cầu của những khán giả chưa quen thuộc với nghệ thuật này. Nhóm nghiên cứu đã họp bàn để lựa chọn dự án phù hợp, xác định không gian trình diễn thích hợp, vừa bảo toàn phương pháp nghệ thuật truyền thống, vừa lồng ghép câu chuyện mới mẻ, ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với thời đại… cùng với những thay đổi về thiết kế sân khấu, cách xây dựng nhân vật… Nhóm nghiên cứu đã may mắn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình từ các nghệ sĩ của các nhà hát.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tuấn Cường, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, đơn vị thực hiện Chương trình Sân khấu học đường – Giáo dục di sản thông qua vở diễn “Thị Mầu xuyên không”, chia sẻ rằng trong hơn một nghìn năm qua, nghệ thuật chèo luôn được kế thừa, thay đổi và làm mới trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Dựa trên vở “Quan Âm Thị Kính”, các nghệ sĩ đã sáng tạo nên tác phẩm “Thị Mầu xuyên không”, kết hợp nhiều thể loại âm nhạc mới, tạo ra góc nhìn mới để khán giả đón nhận.
Tuy nhiên, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tuấn Cường cũng lưu ý rằng việc chuyển thể và rút gọn tác phẩm cần phải hợp lý, đảm bảo giữ được nét tinh hoa, vẻ đẹp của loại hình sân khấu, tránh pha tạp ngôn ngữ, đặc biệt là các ngôn từ quá mới… làm biến dạng nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Với tình yêu và sự trân trọng đối với di sản của cha ông, cộng với sự sáng tạo và tư duy cởi mở, những người trẻ đang tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật dân gian đến cộng đồng. Thành quả của họ giống như những hạt giống, sẽ dần bén rễ, phát triển bền vững theo thời gian, để những giá trị văn hóa truyền thống hòa nhập vào dòng chảy của cuộc sống hiện đại.